Phát triển công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư

Trước làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho các ngành công nghiệp chế tạo đang diễn ra mạnh mẽ, xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều đơn hàng lớn được kí với đối tác nước ngoài nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Chiến lược phát triển công nghiệp và hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp có thế mạnh là cơ khí; chế biến lương thực – thực phẩm; hóa chất – nhựa – cao su và ngành điện tử – công nghệ thông tin. Do đó, việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Khu này sẽ giữ vai trò trọng yếu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao “Made by Vietnam”.

Máy móc tự động hóa được chế tạo bởi IDEA

Đây không chỉ là khu phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao, FDI hay tiếp sức cho các khu công nghệ cao mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố. Nhất là trong bối cảnh hậu Covid, khi làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho các ngành công nghiệp chế tạo đã diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam là điểm đến được lựa chọn, cả trong đầu tư lẫn nguồn cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

tỷ trọng thiết kế ngoài của doanh nghiệp Nhật đổ về Việt Nam rất lớn

Thu hút đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước về sản phẩm thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp… Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với quy mô nhỏ, cung ứng đơn hàng lẻ, trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia là những đơn hàng sản xuất hàng loạt, yêu cầu về cung ứng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, bên mua hàng tiếp tục khuyến nghị nhà cung ứng Việt Nam đầu tư nguồn nhân lực tại doanh nghiệp bảo đảm các yêu cầu của sản xuất: duy trì chất lượng ổn định, quản trị tốt chuỗi cung ứng và hướng đến tối ưu hóa trong sản xuất.

cánh tay robot của IDEA

Là một khu kinh tế – kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút FDI, đồng thời, huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khu SHTP Thành phố cũng đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ thực hiện sứ mệnh nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao; hình thành một Trung tâm Quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân động lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết viện nghiên cứu – đại học – doanh nghiệp, nhà khoa học và công nghệ trong, ngoài nước phát triển công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại làm hạt nhân cho nền công nghiệp Thành phố và khu vực phía Nam.

Theo TS. Dương Minh Tâm – Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Hồ Chí Minh (HAME), nguyên Phó trưởng Ban Quản lý SHPT cho biết, đến tháng 10/2021, SHPT đã có 165 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 24.000 tỉ đồng. Số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 10% tổng số dự án tại SHPT và phát triển rất tốt qua mối liên kết sản xuất với các tập đoàn lớn trong khu như Samsung, Nidec, Jabil… Giá trị gia tăng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm chế tạo tại SHTP trong 5 năm gần đây đạt trung bình 20%, dự báo chỉ số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba khi công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận vươn tầm lên công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.

Có thể thấy, SHPT đã có nhiều thành tựu đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Trong đó, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động, xuất nhập khẩu; đặc biệt là sức lan tỏa và tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, các nhà khoa học, doanh nghiệp về phát triển khoa học công nghệ, kích thích sự đổi mới sáng tạo.

Tiến hành kế hoạch

Để đầu tư hiệu quả và phát triển thành công khu công nghiệp này, thành phố cần xác định các nhóm doanh nghiệp mục tiêu cần thu hút để có kế hoạch đầu tư, chương trình hoạt động phù hợp; đồng thời xác định các ngành sản xuất ưu tiên thu hút đầu tư để từ đó xác định các giá trị, lợi ích vượt trội của mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao đem lại cho nhóm doanh nghiệp này.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư SHPT đạt khoảng 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021-2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%; số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt trên 45% tổng số lao động.

Thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0. và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Nguồn : Minh Anh

RECENT POSTS: