Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (THACO): Người mê sản xuất lớn

Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (THACO): Người mê sản xuất lớn

Hoạt động sản xuất sơ mi rơ moóc xuất khẩu đi Mỹ ở khu phức hợp THACO Chu Lai là điều nhiều doanh nghiệp công nghiệp mơ ước khi chuỗi cung ứng, sản xuất chưa thể trở lại nhộn nhịp.

Doanh nhân Trần Bá Dương (hàng đầu, bên trái) giới thiệu xe chuyên dụng tiêm chủng với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Doanh nhân Trần Bá Dương (hàng đầu, bên trái) THACO giới thiệu xe chuyên dụng tiêm chủng với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đau đáu làm hàng cơ khí “chất lượng cao” của THACO

Trong khi rất nhiều người vẫn quan niệm sản phẩm cơ khí là thô ráp, nặng nề, thì tại THACO, cơ khí chế tạo đã được nâng lên tầm cao mới, với phương châm “chất lượng cao, khẳng định thương hiệu” và bán được giá cao.

Đưa chúng tôi đi thăm phân xưởng sản xuất sơ mi rơ moóc đang sáng đèn, công nhân hăng say làm việc dù đã 22 giờ đêm để kịp xuất hàng đi Mỹ, chốc chốc, ông Dương lại dừng bước, nhấc những chi tiết cơ khí đã được gia công sắc nét, gọn gàng lên và say sưa ngắm.

Ông nói: “Để vào được Mỹ, sơ mi rơ moóc phải thiết kế rất cẩn thận, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Từng mối hàn phải đạt chuẩn để cho ra sản phẩm chất lượng tốt, khi xe chở hàng chạy tốc độ cao trên xa lộ, vẫn trường xe, không bị trì, nhưng phải ít hao nhiên liệu…”.

Giải thích lý do khiến khách hàng cách nửa vòng trái đất vẫn tìm tới THACO để đặt chế tạo những mặt hàng cồng kềnh và có trọng lượng rất lớn, ông Dương cho hay, chi phí logistics mà người mua phải chịu để chuyển hàng tới Mỹ là 2.600 USD/sơ mi rơ moóc, song họ vẫn đặt mua của THACO bởi mức giá sản phẩm hợp lý hơn nhiều thị trường khác và chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu vào Mỹ. Tương tự, sản phẩm xi téc xuất sang Hàn Quốc dù phải chịu thuế nhập khẩu 7%, nhưng đối tác cũng lựa chọn đặt hàng tại Việt Nam.

Không chỉ có những chiếc sơ mi rơ moóc khỏe khoắn, mang lại cho THACO hợp đồng gần 600 triệu USD trong 2 năm 2022 – 2023 với số lượng hơn 40.000 sản phẩm xuất vào Mỹ, trong phân xưởng cơ khí chế tạo còn nhiều mặt hàng khác như hàng rào trang trại chăn cừu ở Australia, những chiếc xe chở xi téc nhỏ gọn, bắt mắt mà khách hàng Hàn Quốc đã đặt…

Chớp cơ hội đang đến, trên cơ sở nền tảng hiểu biết sâu về ngành cơ khí, ông Dương đã quyết định đầu tư thêm Nhà máy Sơ mi rơ moóc và Cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín, gồm: hàn robot, phun bi bề mặt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18 m, sơn hoàn thiện tĩnh điện bột. Dây chuyền lắp ráp, kiểm định sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 6/2022.

Dự án này nối tiếp dự án khác, dường như, ông chủ THACO chưa lúc nào ngơi nghỉ. Nhưng, ông không chỉ nghĩ cho riêng mình, mà còn luôn trăn trở, làm sao để có nhiều doanh nghiệp đồng hành với mình trong sản xuất, kinh doanh. Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp hỗ trợ, ông Dương khẳng định, công nghiệp cơ khí, điện – điện tử chính là nền tảng khởi đầu để phát triển, vì mọi ngành công nghiệp đều cần đến “phần cứng”, tức là cơ khí, chế tạo.

Từ đây, ông đặt mục tiêu làm ra những sản phẩm “cơ khí hàng hiệu”, đầu tư cho máy móc, thiết bị, coi trọng đào tạo nhân lực để sớm hiện thực hóa mục tiêu này.

Những thành công của ngành cơ khí được người chuyên tâm với sản xuất như ông Dương coi là nền tảng ban đầu để phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp điện – điện tử, tạo đà để tiến đến thành công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tiễn phát triển của THACO trong hơn 20 năm qua cho thấy, cơ khí chế tạo tiếp tục là nền tảng quan trọng và được người say nghề như ông Dương phát triển, phát huy cả chiều rộng lẫn chiều sâu để mở rộng hệ sinh thái THACO sang những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan, như nông nghiệp, logistics, thậm chí cả thương mại bán lẻ và gặt hái được những thành công ấn tượng.

RECENT POSTS: